Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

PHONG THUỶ HỌC P3: PHÒNG KHÁCH

PHÒNG KHÁCH

Nói đến Phong Thuỷ, điều đầu tiên mà người ta cần khảo sát có lẽ phải là Cảnh quan môi trường xung quanh nhà và khu đất, kế đến là định Sơn Hướng thuận hợp với gia chủ. Còn về bố trí trong nội thất thì bước vào nhà đầu tiên là phòng khách mới đến các phòng khác. Cho nên NCD tôi sẽ trình bày phần này trước, vì nó cũng ví như bộ mặt của gia chủ vậy; khách bước vào nhà thì ấn tượng của họ quan trọng nên NCD mới nói sau, bởi phòng khách khác các phòng Bếp, phòng ngủ, phòng tắm...ở chỗ nó còn kèm theo vài yếu tố khác nữa. Tỷ như bố trí ghế salon, màu sắc tường, tranh treo trang trí, rồi bàn trà, thảm trải,.....vv... Chính vì nó nhiều yếu tố đi kèm nên thấy đơn giản mà rắc rối, thấy dễ mà khó, cần phải thật tinh tế mới được. 

A/.Màu sắc của Phòng khách: 

Muốn chọn màu sắc thích hợp với Phong Thuỷ, đem lại điều tốt cho gia đình, trước hết là phải biết phương hướng của Phòng khách, sau đó chọn màu sắc theo Ngũ Hành.
Có một điều mà nhiều người hay bị lầm khi xác định vị trí Phòng khách, đó là xem hướng nhà là hướng của Phòng Khách. Thật ra hướng của Phòng Khách chính là hướng của.....Cửa sổ Phòng Khách. Cửa sổ mở về hướng Đông thì Phòng Khách thuộc về hướng Đông, cửa sổ mở về hướng Tây thì Phòng Khách thuộc về hướng Tây.....vv....
_ Phòng Khách hướng Đông: Để chọn màu sắc thích hợp cho Phòng Khách hướng Đông, Phong Thuỷ Học lập luận như sau: Phương Đông Chấn thuộc Mộc, khí Mộc rất vượng. Theo Dịch Lý thì Mộc khắc Thổ sẽ sinh tài lộc (vì Thổ là hào Thê Tài của Mộc). Do đó, chọn màu vàng hoặc màu cafe sữa làm màu chủ cho Phòng Khách.
_ Phòng Khách hướng Nam: Phương Nam thuộc Hỏa, khí của Hỏa rất vượng. Hỏa khắc Kim sẽ sinh Tài Lộc. Đại biểu cho Kim là màu Trắng, màu tro nhạt.
_ Phòng Khách hướng Tây: Phương Tây thuộc Kim, khí của Kim rất vượng. Kim khắc Mộc sinh Tài lộc. Đại biểu cho Mộc là màu xanh, lục . Người ta chọn màu xanh lục làm màu chủ cho tường Phòng Khách, salon, thảm trải sàn nhà.
Tương tự như vậy, ta có:
_ Phòng Khách hướng Đông Nam: Màu vàng, màu cafe sữa.
_............................ Tây Nam: Màu lam, màu xanh dương.
_ ........................... Tây Bắc: Màu lục, xanh lá.
_ ........................... Đông Bắc: Màu lam, màu xanh dương.
_ ........................... Bắc: Màu hồng, màu tím, màu đỏ, màu hồng phấn.

B/. Phương vị thích hợp bố trí salon: 

Ghế ngồi ở Phòng khách, người Việt Nam ta quen gọi theo tiếng Pháp là Salon.
Thông thường chủ nhà muốn chọn màu sắc, kiểu dáng và bố trí như thế nào tùy theo thị hiếu & sở thích của mình. Nhưng theo Phong Thuỷ Học, ghế salon ngoài việc là chỗ tiếp khách, còn là chỗ mọi người trong gia đình ngồi quây quần trò chuyện hoặc nghĩ ngơi.... là nơi trung tâm sinh hoạt của gia đình. Do đó, phải đặc biệt lưu ý: khi mua sắm nên chọn lựa màu sắc thích hợp với hướng của Phòng khách, như đã nói ở trên. Ngoài ra, phải bố trí ghế salon ở những nơi thích hợp thì mới tốt.
1/.Salon phải bố trí ở phương vị tốt:
Do ảnh hưởng của salon như đã nói ở trên, nên phải bố trí ở phương tốt gọi là Cát phương.
Cát phương là nơi Vượng khí, bảo đảm sức khoẻ và sự thư thái, cát lợi cho người ngồi. Việc tìm Cát phương rất đơn giản, theo nguyên tắc xét nhà TỌA ở Đông Tứ Trạch hay Tây Tứ Trạch.
Hễ nhà TỌA ở một trong bốn hướng Đông_ Nam_ Bắc_ Đông Nam là nhà Đông Tứ Trạch. Nhà mà TỌA ở một trong bốn hướng Đông Bắc_ Tây nam_ Tây Bắc_ Tây là nhà thuộc Tây Tứ Trạch.
Hay nói cách đơn giản hơn, như các phần trước đã đề cập, xét nhà TỌA ở hướng Quái số nào thì chọn hướng hợp với Quái số đó mà đặt salon vậy. Tuy nói vậy, nhưng nhà TỌA khác nhau, tất vị trí đặt salon cũng phải khác. Theo Phong Thuỷ, thì hướng tốt nhất của ghế salon là hướng Sanh Khí, kế đến là Thiên Y, tuy nhiên, khi Phòng khách ở vị trí mà hai hướng này không thể đặt ghế salon thì hai hướng còn lại cũng tốt thôi.
***LƯU Ý: TỌA, xin nhắc lại là nơi mà căn nhà tọa lạc, nó trái với HƯỚNG là mặt tiền. Nói cho dễ hiểu, TỌA là mặt sau của nhà đấy!
TỌA còn gọi là TỌA SƠN, là SƠN CHỦ .
Trong phái Dương Trạch Tam Yếu thì một căn nhà có 3 phần quan trọng nhất: Cửa Cái, Bếp và Sơn Chủ (hoặc Phòng Chủ_ nếu nhà không phân ngăn nào cả).
Trong phái Lý Khí thì lấy Sơn, Hướng để xác định sơ đồ Trạch Vận, và luận đoán Phi Tinh.
Nói như vậy để chúng ta thấy TỌA SƠN hay SƠN CHỦ rất quan trọng. Xin hãy nhớ!

2/.Thế salon phải tựa vào núi:
Khi bố trí salon phải tựa vào tường, tượng như dựa vào thế núi. Tâm lý thông thường, như vậy làm cho người ta cảm thấy yên tâm, cảm thấy vững vàng. Khi con người ta ngồi ở đó mà thấy tinh thần thoải mái là hợp Phong Thuỷ rồi!
Do yếu tố đó, nên khi bố trí ghế salon rất kỵ quay lưng về phía Cửa Cái, Cửa Sổ, làm người ta cảm thấy không an toàn. Khi tâm trạng phập phồng , bất an thường xuyên xảy ra như vậy, sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, tâm trí những người ngụ ở đó. Vậy là không hợp Phong Thuỷ.
Nếu Phòng khách không thể bố trí salon tựa vào tường, người ta dùng cái tủ thấp hoặc bình phong để tạo thế núi sau lưng ghế salon.
***LƯU Ý: Không nên để hồ nuôi cá ngay sau lưng salon để tạo thế núi. Vì hình ảnh nước ở vị trí này là không nên. Như thế sẽ không còn tác dụng tốt về mặt Phong Thuỷ nữa.

3/.Tranh treo tường:
Người ta thường treo tranh trên tường ngay trên phần ghế salon
Nếu bố trí salon ở phương vị thích hợp thì tốt càng thêm tốt, như Gấm thêu Hoa. Bố trí tranh treo tường nên theo 1 số nguyên tắc sau:
_ Treo theo chiều ngang: Theo Phong Thuỷ Học, treo tranh nên treo theo chiều ngang, hai đường ngang salon và tranh tạo thành hai đường song song. Tức là chọn tranh có chiều ngang dài hơn chiều dọc.
Treo theo chiều dọc là không thích hợp, vì đường ngang salon và đường dọc bức tranh sẽ cắt nhau.
_ Cách chọn tranh: Việc chọn tranh treo tường tất nhiên phải có giá trị tiền bạc, giá trị nghệ thuật.... Treo tranh để làm đẹp Phòng khách nhưng đồng thời nó cũng nói lên được tâm tư, tình cảm, ước muốn; trình độ văn hóa, thẩm mỹ của người chơi tranh. Một trong những ước muốn đó là gia đình yên vui, thịnh vượng. Vì thế, chọn tranh dù tranh phương Tây hoặc phương Đông cũng không nên chọn các chủ đề sau đây:
* Không nên chọn tranh có cảnh đau đớn, giãy giụa; cảnh mưa gió tơi bời, núi đồi sạt lỡ,hoa rơi lá rụng. Nó gây cho người xem cảm giác sợ hãi, kinh hoàng .
* Không nên chọn tranh cảnh Thu tiêu điều hoang sơ như “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” ( truyện Kiều ); hoặc cảnh thu lá vàng rơi rụng như trong thơ của nhà thơ LƯU TRỌNG LƯ “ Lá thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô....” hoặc cảnh Trăng như “Trăng mờ thổn thức...”. Mùa thu khí liễm kết mờ mịt, mùa của u uất tâm sự. Kẻ tha phương tráng sĩ đao thước nhớ nhà. Người chinh phụ nhớ chồng với tiếng chày giặt áo..... Đó là những đề tài rất phổ biến trong Thơ và Họa, và đã tạo ra không ít tác phẩm bất hũ; những hình ảnh rất lãn mạn, rất hay ấy.......rất tiếc lại không hề hợp với Phong Thuỷ tý tẹo nào!!! Trong Phong Thuỷ Học, NCD xin khuyên quý vị đừng nên treo tranh có cảnh Thu.
* Không nên chọn tranh có ánh chiều tà , bóng xế, nắng chiều vàng vọt . Tạo cảm giác buồn mênh mang, làm cho người ta không còn sinh lực, tâm ý mà phấn đấu trong cuộc sống.
* Không nên chọn tranh người lữ hành cô độc “...đường thênh thang chưa biết về đâu
trên vai mang một gánh ưu sầu...”.
Bức tranh tạo nên cảm giác cô đơn, lẻ bạn (Càng nguy hiểm hơn nếu treo tranh dạng này trong phòng ngủ vợ chồng).
* Không nên chọn cảnh hoang dã tịch liêu, cỏ dại mang mang “....đường trong làng hoa dại với mùi rơm...”
........Tóm lại, tranh treo ở Phòng khách nên chọn những cảnh vật có sinh khí, giàu sức sống, tạo cho con người cảm giác vui tươi, hưng phấn, yêu đời.

4/.Phòng khách có xà ngang:
Phòng khách có xà ngang, nếu để salon dưới xà ngang là không tốt, ảnh hưởng đến tâm lý người ngồi đó, có cảm giác như bị đè xuống, nặng nề.

5/.Không bố trí salon đối xung với cửa cái:
Khi bố trí salon và Cửa Cái theo một đường thẳng, Phong Thuỷ gọi là đối xung. Năm thì mười họa người ta mới ngồi ở Phòng khách để nhìn ra ngoài cho vui mắt, thông thường thì ngồi nghỉ ngơi hay suy nghĩ. Bố trí salon đối diện Cửa Cái, tâm trí bị chi phối bởi ngoại cảnh, sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ hoặc sự nghĩ ngơi.

6/.Hình ảnh cửa khẩu, vòng tay tráng sĩ:
Theo Phong Thuỷ Học, nên bố trí các ghế salon theo hình cửa khẩu, theo hình vòng tay tráng sĩ, hay 1 cái vịnh lõm vào, như hình chữ U là tốt nhất. Người ta tưởng tượng Cửa khẩu, vùng Vịnh là nơi biển lặng, sóng yên, thuyền bè hội tụ, ra vào tấp nập, hàng hóa dồi dào...... Bố trí salon theo hình cửa khẩu chữ U để khí tốt, tài lộc tụ vào.
Không nên bố trí salon theo hình chữ L, vì như vậy giống như tráng sĩ có 1 cánh tay vậy, không thu nạp được hết nguồn sinh khí, không che chở bao bọc hết của cải, cũng như sự hưng thịnh của gia đình. Vả lại, người chỉ có 1 cánh tay sẽ khó xoay sở, bộc lộ hết khả năng, sức mạnh của bản thân.
Nếu Cửa Cái nằm một bên, TỐI KỴ đặt salon ở góc chéo với Cửa. Sinh Khí từ ngoài Cửa tràn vào, gặp salon sẽ gấp quay ngược trở lại, gọi là hiện tượng NGHỊCH THỦY.

7/.Đèn trần nhà và salon:
Không bố trí salon ngay dưới đèn trần chiếu sáng hoặc đèn trang trí.
Xét về mặt khoa học, đèn chiếu ngay đỉnh đầu, lóa mắt, có hại cho mắt. Về mặt tâm lý
thấy có cái gì gấp gáp khó chịu, không an toàn vì đèn có thể rơi vỡ nguy hiểm . Về Phong Thuỷ, như vậy là không tốt rồi, bởi Phong Thuỷ là hợp lý mà!
Nếu không di chuyển được salon, người ta cho đèn ẩn vào trong trần nhà, hoặc thiết kế thế nào để đèn vẫn chiếu sáng nhưng không chiếu ngay trên salon.

8/.Không để kiếng tráng thủy sau salon:
Có 2 lý do:
_ Một là, khi tiếp khách, khách khứa sẽ nhìn thấy sau gáy của gia chủ hoặc ngượclại. Thường người ta rất khó chịu khi bị người khác cứ nhìn chằm chằm vào gáy của mình. Theo Sinh học, ngay sau ót có một vị trí gọi là Sinh điểm, rất nhạy cảm, có cảm giác lo sợ hốt hoảng khi bị nhìn vào gáy.
_ Hai là, theo Phong Thuỷ Học, kiếng tráng thủy vừa có công dụng phản chiếu, vừa có công dụng thu hút, nên có tác dụng ngược lại. Kiếng phản chiếu hình ảnh con người tượng như hồn phách con người in vào đó, hút vào đó phần nào. Do vậy, kiếng chỉ dùng trang điểm, ngắm nghía khi cần thiết hoặc để làm công cụ Hóa Sát, không phải lúc nào cũng để hình bóng mình phản chiếu trong gương.

C/.Bàn trà: 

Bàn trà là bàn để đặt ấm trà, ly tách uống trà; người ta còn gọi là Kỷ trà. Việc đặt bàn trà theo một số nguyên lý sau: 
_ Chủ khách tương hợp: Theo Phong Thuỷ Học, salon là núi, bàn trà là nước hay là bờ cát bãi biển. Vì vậy, salon phải cao hơn bàn trà, tạo ra thế Sơn Thủy hữu tình. Đấy là một trong những cách làm cho chủ khách tương hợp, ăn ý với nhau. 
_ Còn một ý tưởng nữa: Salon là chủ, Bàn trà là khách. Để có 1 quan hệ tốt đẹp, tốt nhất là đôi bên tương kính lẫn nhau. Hay nói cách khác: Không để khách lấn chủ, cũng không nên bố trí chủ lấn lướt khách. Đây là một điều rất tế nhị! Nếu chúng ta phải giao tế, tiếp xúc với một người khách rành về Phong Thuỷ, khi nhận thấy chúng ta bố trí salon & bàn trà theo thế chủ lấn khách như vậy, dù chúng ta có thân thiện, hòa nhã cách mấy, có lẽ ông khách ấy cũng thấy gút mắc. Nếu làm ngược lại, chúng ta chịu thiệt thì áp dụng Phong Thuỷ làm gì nữa?! 
Salon cao quá là chủ đoạt khách. 
Bàn trà quá rộng là khách lấn chủ. 
Vậy chắc quý vị cũng biết phải chọn cho nhà mình một bộ salon & bàn trà thế nào cho hợp rồi 
_ Khoảng cách: Không nên để salon và bàn trà xa quá hoặc gần quá, đều bất tiện, không hợp với Phong Thuỷ. Núi và nước, Sơn và Thủy là hữu tình nhưng nước sát vách núi là hình tượng xói mòn. Nếu gần quá, cũng tạo cảm giác thúc ép, bực bội. Để xa thì không tiện sử dụng. Thông thường, khoảng cách hợp lý là từ 2,2 tấc đến 2,5 tấc là vừa phải. 
_ Hình dạng: Tránh các hình có các góc nhọn, góc cạnh 

D/ Phòng Khách: 

Ngày nay do điều kiện kinh tế thay đổi, nhiều nhà làm ăn khấm khá lên, mua đất cất nhà, và đã mời hẳn Kiến Trúc Sư trang trí nội thất cho mình. Trong điều kiện đó, không ít Kiến Trúc Sư đã bày cho gia chủ trải thảm ở Phòng khách, vừa đẹp vừa sang trọng, quý phái như ở nước ngoài vậy. Hỏi ai không thích nhà mình đẹ, sang?! Và thế là họ trải thảm một cách vô tội vạ. Người may mắn thì gặp Kiến Trúc Sư rành về Phong Thuỷ, người không may thì giao phó cho Kiến Trúc Sư phối màu gì cho... hợpnhãn thì phối (?!). Để giúp các anh chị, các bạn có thêm chút kinh nghiệm khi chọn thảm cho Phòng hách, NCD xin đưa ra một vài điểm sau: 
1/.Tránh dùng thảm xanh rì như một đám cỏ: 
Nhiều người cho rằng Mạng gia chủ màu này là thích hợp, hay màu này là phối hợp với màu tường là đẹp nhất...vv... Tôi không lạm bàn về màu sắc, bởi các Kiến Trúc Sư là chuyên gia vấn đề đó mà; tôi chỉ muốn nói rằng: dù có chọn màu xanh đó cũng không nên giống như một đám cỏ quá. 
Trong lĩnh vực Phong Thuỷ dùng để trang trí, đa số là dùng biểu tượng, hình tượng, giống như cái này, giống như cái kia, hay những hình ảnh liên tưởng ra...vv.. Và cái "thảm cỏ xanh rì " kia khiến cho một số người có cảm giác như......1 nấm mồ xanh cỏ (!?). Nghe phi lý quá, nhưng một khi miệng thiên hạ đã cất lên rồi, một đồn mười, chục đồn trăm, thì...không cũng thành có! "Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết". Ta nên tránh là hơn. 
2/.Đừng nên chọn màu u ám: 
Nhìn vào một tấm thảm u ám, hay buồn tẻ, nhạt nhẻo khiến cho người ta thấy nhàm chán. Những gam màu này không thu hút khí sinh vượng, không tốt trong Phong Thuỷ. Nên chọn các gam màu sáng, màu tươi vui mắt như hồng, vàng kim.... 
3/.Tránh chọn chủ đề xấu: 
Cũng như chọn tranh treo tường, chọn thảm cũng có một số nguyên tắc: 
_ Không chọn thảm hoa hoè, nhìn vào gây nhức mắt. 
_ Không nên chọn thảm không có gốc. "Vật bất ly kỳ tông" mà, nghĩa là không có nền tảng chung, phải có chủ đề làm nền. 
_ Nên chọn thảm có màu sắc, cảnh vật, hình tượng.... ngụ ý tốt lành, sinh vượng. Vừa thích hợp với Phong Thuỷ, vừa có thẩm mỹ; tạo nên tâm lý thoải mái, hưng phấn cho người nhìn là hợp cách. 

E/.Trần nhà: 

Người Anh gọi là ceiling, người Trung Hoa gọi nó là Thiên Hoa, người Việt Nam ta gọi đơn giản là trần nhà. Về trần nhà có một số nguyên tắc sau: 
1/.Hợp cao, không hợp thấp: 
Thiên Hoa còn được gọi là Đỉnh Thiên Hoa. Chỉ nội cái tên cũng đủ nói lên yếu tố cần phải cao rồi. 
Về mặt tâm lý, vào một cái nhà trần thấp, gây cho người ta cảm giác ngột ngạt, như khó thở hơn, tim đập nhanh; trần nhà cao làm người ta thấy tâm hồn mình khoảng khoát, cởi mở hơn. 
Ngày nay, đa số các nhà đều đóng la-phông, không còn để lộ các xà ngang như trước. Tuy nhiên tôi cũng xin ghi ra đây để các anh chị, các bạn làm tài liệu tham khảo thêm. Ngày trước, khi gặp các nhà có Phòng khách bị các xà ngang ở giửa như thế, các nhà Phong Thuỷ khuyên gia chủ làm một cái Giả Thiên Hoa để hóa giải, vừa đẹp vừa hợp Phong Thuỷ. Nghĩa là tại các thanh xà đó, người ta dùng nẹp bọc nó lại, đóng thêm vào cho nó tạo thành hình vuông lõm ở giửa. Nếu từ dưới nhìn lên, ta luôn có cảm giác ngay đó như cao hơn, không còn cảm giác bị đè nặng nữa. Phần lõm đó, Phong Thuỷ gọi đó là Thiên Trì, là ao của Trời, tượng trưng cho Tài lộc của Trời ban cho vậy. Không những thế, các nhà Phong Thuỷ còn khuyên gia chủ thiết kế một hoa văn trang trí ngay giửa Thiên Trì, y như một cái chén vàng ngọc vậy, và xung quanh đó người ta trang trí bằng chùm đèn, và họ đặt cho nó cái tên là... Long Tĩnh! Ý nghĩa Thiên Hoa như có Rồng ẩn nấp, hoặc như có cái chén đựng vàng ngọc.... toàn là ý nghĩa tốt đẹp! 
2/.Màu sắc: 
Luôn luôn là màu sắc nhẹ và sáng hơn nền màu tường, hay sàn nhà. Và đa số người ta chọn màu Trắng tinh khôi, trắng của mây trắng lững lờ trôi.... "Hạc vàng đã tếch nơi đâu? Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay."_ (Thôi Hiệu) 
3/.Ánh sáng: 
Thiên Hoa tượng của Trời cao. Trời mà u ám là báo hiệu mưa gió, bão bùng không tốt. Nên trần nhà tối kỵ sự u ám và đen tối. Nếu một căn nhà tối tăm và u ám thì trần nhà làm sao sáng sủa được? Nhà tối ám sẽ sinh cảm giác ẩm thấp, là nơi sản sinh muỗi mòng, vi trùng.... sẽ sinh ra bệnh tật. Đây cũng là lý do vì sao trong Phong Thuỷ tối kỵ nhà ở u ám, tối tăm. Nên thắp đèn sáng trên trần nhà, cũng như thiết kế sao cho khi vào nhà ban ngày cũng đủ ánh sáng cho trần nhà. Bởi vì điều này, người ta hay dùng màu Trắng cho trần nhà tạo cảm giác sáng sủa hơn. 

F/.Cửa Sổ Phòng Khách: 

Trong Phong Thuỷ Học, cửa sổ Phòng khách cũng có một vị trí đặc biệt, ảnh hưởng đến tốt xấu của nhà & gia chủ. Nếu quá rộng thì khí sẽ thoát ra nhanh. Nếu quá hẹp thì khí khó thoát, sinh nóng nực, ngột ngạt. Thông thường, Cửa sổ thì có Bệ cửa, người xưa gọi nó là Song Đài, phần này chúng ta nói về nó. 
1/. Vật trang trí: 
Khi xây Bệ cửa sổ nên cố định, bằng phẳng, ngay ngắn. Những Bệ Cửa sổ thường là để các vật Trấn Yểm trong Phong Thuỷ, hay nói cách khác, nó như một tuyến phòng thủ của ngôi nhà vậy. Những Vật khí Phong Thuỷ nếu là con vật để trang trí ở đó, không nên xung khắc với tuổi chủ nhà. (ví dụ: Chủ nhà tuổi Tý thì không nên đặt các con vật như: rắn- Tị; dê- Mùi; ngựa- Ngọ; gà- Dậu; mèo, thỏ-Mẹo) 
Những tượng con vật người ta hay dùng nhất khi Trấn Yểm ở Bệ Cửa sổ là: Rồng, Sư tử, Kỳ lân, Gà, Voi.... Hay những công cụ Hóa Sát khác như: Chuông gió kỳ lân, Chuông gió Bát Quái, Chuông gió kim loại- gỗ, Hồ lô, các xâu chuỗi Minh Chú, Chén Liên Hoa, Kim Tiền Ngũ Đế, Kim Nguyên Bảo.....vv... Nói chung rất là nhiều, mỗi trường hợp Hung Sát đều có cách hóa giải cả, và mỗi cách dùng vật Trấn Yểm khác nhau, tùy trường hợp mà sử dụng, xin đùng nên đặt bừa bãi sẽ phản tác dụng. Cẩn thận! 
2/.Màu sắc: 
Trước tiên ta nên chọn vật liệu chịu nhiệt, và không hấp thu nhiệt. Nếu không, để ngoài nắng nó sẽ mau hư, và nó hấp thụ nhiệt và làm cho Phòng khách nóng lên, không tốt. Về màu sắc cũng dùng như màu tường, cùng một nguyên tắc. 
3/. Màn cửa: 
Về màn cửa, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại, nhiều màu sắc, nhiều chất liệu, nhiều kiểu dáng, thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, khi chọn màn cửa cần lưu ý một số điểm sau: 
Nếu cửa sổ nắng nhiều: Nên chọn màn dầy, màu sắc đậm. 
Nếu cửa sổ ít nắng: Nên chọn màn mỏng và màu sáng hơn. 
Nếu Cửa sổ đối diện Cửa Cái hoặc những Hung Sát bên ngoài, nếu không muốn dùng vật Trấn Yểm thì nên dùng loại cửa lá sách cố định, không mở ra, để che đi. 
Tuyệt đối kỵ làm khung cửa Sổ hình chữ nhật rồi, bên trong lại làm cái cửa có hình vòm, hoặc cưa lộng thành hình vòm cho đẹp. Đây là điều ĐẠI KỴ trong kiến trúc CỬA, vì nó là biểu tượng giống như cái Bia mộ của người Trung Hoa. 
Về màu sắc, vẫn lấy Màu sắc như của Bệ Cửa sổ làm nền, nhưng thêm các hoa văn, họa tiết cho không nhàm chán, nên chọn sự phối hợp sao cho tươi mắt, không loè loẹt là được 

G/. Đường thông- Cửa thông: 

Là nói đến đường thông suốt từ Phòng khách ra nhà sau, hay còn gọi là hành lang trong, và cánh cửa ngăn Phòng khách với các kiến trúc phía sau. Về đường thông, NCD chỉ góp vài ý nhỏ sau: 
_ Tránh làm hẹp quá. 
_ Tránh dẫn thẳng tới Cửa hậu hay Cửa sổ hậu. 
_ Tránh dẫn thẳng tới 1 nhà vệ sinh. 
_ Tránh tối tăm. 
Đấy là đường thông, còn Cửa thông? 
1/. Vì sao phải có cửa này? 
Có một vài nguyên do: 
_ Không ai muốn khách vào nhà có thể nhìn thấu ra sau nhà, soi mói chuyện riêng tư của họ, nên thiết kế cửa ngăn này là hợp lý. 
_ Ngay từ ngàn xưa đến nay, đã có quá nhiều bài học trả giá bằng xương máu của các bậc tiền nhân, do việc bí mật bị tiết lộ do bàn bạc ở Phòng khách; tin tức rò rĩ có thể do người trong nhà nghe rồi vô tình tiết lộ, có thể do nội gián đối phương cài vào.... Trong thời đại hiện nay, khi mà tính cạnh tranh trên thị trường gay gắt, khốc liệt, thì việc bảo mật thông tin càng cần được xem trọng ("Sơ nhi bất lậu" mà). Như vậy, cánh cửa này càng cần phải có, và nó có thể ví như cánh cửa an toàn vậy. 
_ Thường Phòng ngủ là nơi bề bộn, để khách không thấy sự luộm thuộm này, làm cửa thông là hợp lý nhất 
Nếu chúng ta thiết kế Cửa thông đẹp, khéo, nó có thể góp phần tô điểm thêm cho Phòng khách chúng ta vậy. 
2/. Tác dụng và những điều nên tránh: 
Đường thông là đường nối từ Phòng khách ra nhà sau, nên nó có tác dụng dẫn khí vào nhà, giao lưu với khí trong nhà. 
Khi Cửa Cái và Cửa thông, Cửa sổ hậu nằm trên một đường thẳng là một điều TỐI KỴ. Bởi Vượng Khí vào nhà sẽ theo Cửa sổ hậu kia nhanh chóng thoát ra mà không vào các phòng. Giống như tiền bạc chỉ đi qua mà không ghé vào, hao tổn tiền bạc. 
Về mặt thiết kế, gió từ Cửa Cái vào nhà, xộc thẳng vào và nhanh chóng thoát ra Cửa sổ hậu, làm nhà rơi vào tình trạng "Lộng gió". Thơ xưa hay dùng hình ảnh gió vào phòng ngủ, thổi vào màn cửa, biểu hiện sự lả lơi, rạo rực xuân tình. Nhà thơ LÝ BẠCH đời ĐƯỜNG cũng nói: "Xuân phong bất tương thức. Hà sự nhập la vi?".... Cái "Xuân phong" ấy trong phòng ngủ vợ chồng còn có thể tạm chấp nhận, nhưng với những ai độc thân chẳng phải..... lạnh lẽo lắm ru? Tệ hơn nữa, là ngọn gió mùa làm cho người ta cảm thấy cô đơn chiếc bóng..."Gió Thu se lạnh chốn phòng không. Chiếc bóng mình ta mòn mõi trông...". Gió Xuân còn chịu được, gió Thu hiu hắt làm lòng người chớm lạnh. Đến gió Đông thì... chỉ gây bệnh cảm thôi. 
Nếu Cửa Cái dẫn thẳng tới nhà Vệ sinh: Ngồi ở Phòng khách mà nhìn thấy nhà Vệ sinh là điều mất thẩm mỹ vô cùng, nó lại càng mất vệ sinh hơn khi gặp phải cảnh......"cuốn theo chiều gió" ngược. Trường hợp này xây Cửa ngăn cách là hợp lý nhất. 
Khi thiết kế Cửa thông này nên tránh làm các kiểu có vẻ như bưng bít, gây cảm giác chật chội, ngột ngạt, Sinh Khí không vào nhà được. Tốt nhất nên có một khoảng kính để tạo cảm giác thoáng hơn, và cho Sinh Khí đi qua được. 
TUYỆT ĐỐI TRÁNH kiểu mẩu như đã nói ở phần Cửa sổ: Giống bia mộ người Trung Hoa. 
Tránh kiểu thiết kế đắp thêm hai trụ hai bên cửa, vừa thiếu sự thẩm mỹ (trông rất cheap) vừa gây cảm giác chật chội, tù túng. 
ĐẠI KỴ làm hai trụ, rồi gọt đẽo hay đắp hai đầu trụ thành hai cục tròn (như cái đầu vậy) lại sơn màu trắng. Đây là dấu hiệu TANG CHẾ, tuyệt đối không nên dùng, ngay cả cho cột ở cổng rào. 
Khi Phòng khách không có Cửa sổ người ta không nên làm Cửa thông, vì nó tạo ra hiện tượng Nghịch Thủy, Sinh Khí sẽ dội ngược trở lại. 
Khi phòng khách chật hẹp, cũng không nên làm cửa thông, bởi nó chỉ gây thêm cảm giác tù túng.

H/.HỒ CÁ: 


Nhiều người thích trang trí Phòng khách bằng hồ cá & thích nuôi cá. Phòng khách có hồ cá thì sinh động hơn, và những lúc rảnh rỗi, nhìn cá tung tăng bơi lội trong hồ cũng thấy tâm hồn mình thoải mái hơn, như nhẹ bớt những ưu phiền trong cuộc sống vậy. 
Nói đến hồ cá là ta nghĩ ngay đến Nước, hành Thuỷ. Hành Thuỷ phải nói là một Hành.... rất khó chịu nhất trong Phong Thuỷ, vì theo Dịch, lý của quẻ Khảm là "hảm dã" mà. Nước mà đặt sai vị trí trong Phong Thuỷ thì rất nguy hiểm_ nhất là khi ta sử dụng Trạch vận và Phi Tinh theo Huyền Không, chỉ cần nơi Sơn tinh vượng mà có nước là chiêu tai hoạ liền tức thì (nhẹ thì hao tổn tiền bạc, phá sản, bệnh tật; nặng thì thương tật, chết người). Cho nên, việc nuôi cá kiểng trong nhà coi thế mà lại cả một vấn đề. NCD hôm nay chỉ xin góp vài ý kiến với các anh chị, các bạn về hồ cá đặt trong nhà: 
_ Các anh chị, các bạn muốn nuôi bao nhiêu con tuỳ thích, nhưng theo NCD tôi thì nên chọn con số 9 con, hoặc bội số của số 9 đối với nuôi cá vàng-đỏ hay cá chép. Với cá Kim Long thì không nhất thiết, tuỳ khả năng và tuỳ nhà quý vị lớn nhỏ nữa. Nên nhớ, nhà nhỏ mà để hành Thuỷ nhiều quá là rất nguy hiểm. 
_ Không nên để hồ cá quá cao, hồ không nên quá lớn so với phòng. 
_ Không nên đặt hồ cá sau salon. 
_ Không nên đặt hồ cá trong nhà Bếp. 
_ Không nên đặt 3 tượng Tam Đa PHÚC- LỘC- THỌ hoặc Tài Bạch Tinh Quân trên hồ cá. Vì các vị Thần này tượng trưng cho việc ban Phúc, ban Tài Lộc, nay đặt trên hồ cá khác nào.. tiền của trôi theo giòng nước. 
_ TUYỆT ĐỐI không nên để hồ cá dưới chân cầu thang. 
_ ĐẠI KỴ để hồ cá ở bên phải của nhà, từ trong nhìn ra.

CỬA CÁI-CỬA SỔ

Trong Phong Thuỷ có rất nhiều trường phái, nhưng dù là thuộc trường phái nào thì CỬA CÁI vẫn là một trong những điểm trọng yếu. Bởi theo như người xưa thì ông bà ta gọi CỬA CÁI là Môn Khẩu, mà người ta nói: "Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất". Nếu như nói cái miệng là nơi thu nhận năng lượng cho cơ thể cũng không sai, vì thức ăn vào từ miệng; nếu thức ăn bổ thì tốt cho cơ thể, thức ăn độc hại thì gây họa cho cơ thể. Cửa Cái cũng như cái miệng của một căn nhà vậy. Nó là nơi thu nạp KHÍ của Vũ trụ vảo nhà, nên cực kỳ quan trọng.
Nói đến KHÍ, ngay từ ngàn xưa, các nhà Phong Thuỷ đã nhận thấy KHÍ hiện hữu khắp nơi, tràn đầy khắp không gian. Ngày nay, các nhà khoa học phát hiện ra có một loại khí hiện hữu khắp nơi trong không gian_ giống như lý luận của các nhà Phong Thuỷ xưa_ là KHÍ Vi Ba (Microwaves). KHÍ không nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ qua sự cảm nhận, qua kinh nghiệm tích lũy, mà những người hành nghề Phong Thuỷ xác định được hướng đi của KHÍ. Qua đó các nhà Phong Thuỷ mới đề nghị người này sử dụng hướng cửa này, người kia sử dụng hướng cửa kia. Cũng như có người nằm quay đầu hướng này thì dễ ngủ, nhưng với người khác thì hướng đó lại khiến họ mất ngủ vậy.
Nói đến CỬA CÁI, ngoài việc lấy hướng thích hợp như đã nói ở các phần trên, chúng ta còn phải tuân theo một số điều kiện như:
1/.Phải tạo cảm giác hấp dẫn Sinh Khí vào nhà:
Vì đây là nơi tiếp nhận Sinh Khí cũng như ta đón khách vậy, nên phải có một cảm giác thân thiện thì Sinh Khí mới vào được. Nghĩa là: từ hình dáng, tay nắm, màu sơn, thảm lót trước cửa......đều phải hài hòa, thích hợp với ngũ hành của gia chủ.
Ví dụ: Gia chủ có quái số là cung Ly, hướng của cửa là hướng Khảm. Tuy hai cung Ly, Khảm hỗ biến nhau ra du niên tốt là Diên Niên, nhưng Khảm thuộc Thủy, Ly thuộc Hỏa; Thủy khắc Hỏa, nên ta có thể dùng hành Mộc làm trung gian như sơn màu xanh lá, xanh da trời lợt, hoặc dùng thảm lót trước cửa màu xanh lá chẳng hạn.
2/.Phải tạo cảm giác an toàn cho Sinh Khí vào:
Nghĩa là phải tránh những "mũi tên độc" nhắm vào cửa trước, hay nói theo thuật ngữ Phong Thuỷ thì phải tránh những SÁT KHÍ từ bên ngoài nhắm vào nhà, mà nhất là nó ngay cửa trước. Những tia Ác Khí này có thể là:
_ Đòn dông nhà đối diện.
_ Cạnh tường nhà đối diện, hay cạnh một nhà cao tầng, một chung cư bên kia đường.
_ Một cột điện, một trụ điện cao thế trước cửa nhà.
_ Đối diện bên kia là: một nhà tang lễ, một nhà thương, một nghĩa địa, một nhà thờ, chùa miễu, một pháp trường, một căn nhà mục nát, một tượng đài chiến sĩ, một Đài Liệt sĩ, một doanh trại quân đội, một tòa án....vv...
_ Những cọc rào nhọn nhà đối diện chĩa sang.
........
Nói chung, những gì bất lợi đều nên tránh. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được mảnh đất như ý để cất nhà. Nếu như vì một tình thế bắt buộc, khiến chúng ta phải cất nhà ở những nơi có điều kiện không hay như thế, thì ta sẽ dùng đến những công cụ hóa sát mà tôi sẽ nói đến vào lúc khác.
3/.Phải hài hòa với tổng thể của nhà :
Như đã nói ở những phần trước, Phong Thuỷ là một bộ môn nghệ thuật, nó cần một sự thẩm mỹ tương đối. Khi thiết kế CỬA CÁI, không nên:
_ Nhà quá lớn so với cửa: Khi đó KHÍ vào nhà bị hạn chế, cũng như hạn chế những vận may, những cơ hội của gia chủ vậy.
_ Nhà nhỏ mà cửa quá lớn: Khi ấy, KHÍ vào nhà nhiều quá gây sự mất quân bình Âm Dương trong nhà.
4/.Phải để KHÍ luân lưu từ từ khắp nhà:
Để đạt được điều này, không nên để CỬA CÁI thông thẳng một đường ra tới cửa sau. Vì như vậy, KHÍ vào nhà sẽ đi thẳng ra cửa sau mà thoát luôn. Cũng như gia chủ thấy vận may, thấy cơ hội đó nhưng không thể nào nắm bắt được.
Nếu đã lỡ xây dựng, kiến thiết nhà như thế thì phải dùng đến những biện pháp hóa giải làm nguồn KHÍ đi chậm lại vậy.
5/.Không nên chận đường đi vào của Sinh Khí:
Trước nhà phải quang đãng, không nên để gò đống hay kiến trúc nào làm cản trở dòng Sinh Khí vào nhà.
Vừa bước vào cửa không nên gặp ngay bức tường, Sinh Khí sẽ dội trở ra ngay.
6/.Trang trí bắt mắt:
CỬA CÁI cũng như diện mạo của căn nhà vậy. Gương mặt ta thì cần trang điểm, vậy tại sao CỬA CÁI lại không thể? Hãy trang trí, sơn phết mặt tiền nhà với những màu tươi sáng, bắt mắt. Điều này cũng như gặp người mặt mũi sáng sủa thì dễ có cảm tình hơn vậy.
7/.Kích thước hợp qui cách Phong Thuỷ:
Ngoài vấn đề kích thước phù hợp với kích thước nhà ra, còn phải chú ý đến kích thước cửa theo Thước Phong Thuỷ. Thước Phong Thuỷ chính là thước Lỗ Ban, một loại thước chuyên dùng trong Phong Thuỷ. Về thước Lỗ Ban, tôi sẽ nói riêng một bài vào khi khác, sẽ giới thiệu loại thước Lỗ Ban nào thông dụng hiện nay.
8/.Không nên để KHÍ trôi tuột đi:
Đại kỵ để cầu thang hướng thẳng ra cửa trước, khiến tất cả Sinh Khí trôi tuột ra ngoài hết.

Về cửa sổ thì:
_ Một phòng không quá 3 cửa sổ.
_ Hai cửa sổ không nên đối diện nhau.
_ Cảnh quan bên ngoài cửa sổ phải là cảnh quan đẹp đẽ, không nên là những cảnh hoang tàn, đổ nát.
_ Nếu là văn phòng làm việc thì không nên thiết kế cửa sổ sau lưng bàn làm việc (điều này tôi sẽ nói cặn kẽ hơn ở phần Phong Thuỷ với văn phòng làm việc).
_ Nếu là phòng ngủ thì không nên thiết kế cửa sổ ngay sát giường ngủ (tôi cũng sẽ nói cặn kẽ hơn về vấn đề này ở phần Sắp xếp phòng ngủ theo Phong Thuỷ).
_ Không nên để cửa sổ gần với Bếp (tôi cũng sẽ nói rõ hơn ở phần Bếp và Phòng ăn trong Phong Thuỷ).
_ Không nên thiết kế quá nhiều cửa sổ cho một căn nhà, vì như vậy, KHÍ vào nhà sẽ thoát ra nhanh chóng, không có lợi. Mặt khác, Cửa Cái là Thuỷ, Cửa sổ là Hoả, nên khi lượng Cửa sổ trong nhà nhiều quá sẽ tạo thành thế Thuỷ Hoả mất cân đối.
_ Không nên để cửa sổ đối diện với cửa chính, hãy dùng tấm màn vải dày ngăn ở cửa sổ.
Trên đây chỉ là một số điều căn bản về CỬA CÁI và CỬA SỔ. Ngoài ra, khi áp dụng Huyền Không hay Bát Trạch phần nâng cao, sẽ còn vị trí Cửa nơi nào để đón được Vượng khí vào nhà nữa. Những vấn đề ấy chúng ta sẽ bàn sau.



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét