Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

51; 52 Gia phả là gia bảo có đúng không?

51. Gia phả là gia bảo có đúng không?

Đúng và rất đúng với những người có ý thức tôn kính tổ tiên và quý trọng tình cảm họ hàng gia tộc. Gia phả là lịch sử của một dòng họ, một gia đình lớn. Thiết tưởng không cần phải nói nhiều về ý nghĩa mà mỗi cuốn gia phả của từng dòng họ đều đã nói rõ trong từng lời tựa. Đành rằng cái ăn, cái mặc để nuôi sống gia đình và bản thân là việc hàng đầu. Nhưng có thấy nỗi day dứt của những người có tâm huyết muốn truyền cho con cháu biết đời cha mình do ai sinh ra, từ đâu đến, tổ tiên công đức ra sao, ngặt vì gia phả đã mất; có thấy được nỗi niềm của những người trú ngụ ở phương xa không được cha ông truyền cho biết gốc gác của mình từ đâu, họ hàng là ai, khi đó mới thấy đầy đủ ý nghĩa của hai chữ "Gia phả-Gia bảo". Giọt nước rất quý đối với người sống trên sa mạc, còn đối với người sống ven sông, dễ gì mỗi lần "Uống nước" lại phải "Nhớ nguồn".
Thời trước họ nào cũng có gia phả, có họ từng nhà còn có gia phả. Nếu vì thuỷ, hỏa, đạo tặc để mất vàng bạc- của cải gì thì mất, chứ không để mất gia phả. Ngặt vì gia phả ngày xưa viết bằng chữ Hán, hơn nữa từng chi từng nhà chỉ nối phần trực hệ của chi mình, nhà mình, thảng hoặc mới có một cuốn gia phả ghi đời tiếp nối của chi anh, chi em, đến đời hai đời ba là cùng, do đó nếu một chi mất gia phả thì chi khác không thể bổ cứu. Hiện nay, do mất gia phả nên nhiều họ tuy cùng ở với nhau trong một địa phương vẫn không biết nhau, không nhận được quan hệ họ hàng.
Về một ý nghĩa khác, gia phả sở dĩ gọi là gia bảo vì đó là lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, là điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau. Bất cứ họ nào, bất cứ con người nào trong họ, có tài năng lỗi lạc đến đâu, cá nhân cũng không thể viết được toàn bộ gia phả mà chỉ có kế thừa đời trước và truyền dẫn đời sau.
Gia phả các họ là các nguồn bổ sung tư liệu rất quý, rất dồi dào cho quốc sử, nếu các nhà sử học biết khai thác cũng có khả năng từ gia bảo trở thành quốc bảo.


52. Gia phả hoàn chỉnh có những mục gì?

Gia phả được coi là hoàn chỉnh trước hết phải là một gia phả được ghi chép rõ ràng, chữ nghĩa chân phương có ghi rõ tên người sao lục, biên soạn thuộc đời thứ mấy, năm nào, triều vua nào, căn cứ vào bản nào, tên người tục biên qua các đời cũng có cước chú rõ ràng. Đầu gia phả có lời tựa ghi được nguồn gốc xuất xứ của thủy tổ có cứ liệu thành văn hay truyền ngôn.
Mở đầu là thuỷ tổ, lần lượt đến tiên tổ các đời, nối dòng đến lớp con cháu mới sinh.
Đối với tiền nhân có các mục sau đây:
  • Tên: Gồm tên huý, tên tự, biệt hiệu, thụy hiệu và tên gọi thông thường theo tập quán địa phương? Thuộc đời thứ mấy?
  • Con trai thứ mấy của ông nào? Bà nào?
  • Ngày tháng năm sinh (có người còn ghi được cả giờ sinh).
  • Ngày, tháng, năm mất? Thọ bao nhiêu tuổi?
  • Mộ táng tại đâu? (có người ghi được cả nguyên táng, cải táng, di táng tại đâu? Vào tháng, năm nào?).
  • Học hành, thi cử, đậu đạt, chức vụ, địa vị lúc sinh thời và truy phong sau khi mất: Thi đậu học vị gì? Khoa nào? Triều vua nào? Nhận chức vị gì? năm nào? Được ban khen và hưởng tước lộc gì? Sau khi mất được truy phong chức gì? Tước gì? (Đối với những vị hiển đạt thì mục này rất dài. Ví dụ trong Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, chỉ riêng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, mục này đã trên mười trang)
  • Vợ: Chánh thất, kế thất, thứ thất...
  • Họ tên, con gái thứ mấy của ông nào, bà nào? Quê ở đâu? Các mục ngày, tháng, năm sinh, ngày, tháng, năm mất, tuổi thọ, mộ, đều ghi từng người như trên.
  • Nếu có thi đậu hoặc có chức tước, địa vị, được ban thưởng riêng thì ghi thêm.
  • Con: Ghi theo thứ tự năm sinh, nếu nhiều vợ thì ghi rõ con bà nào? Con gái thì cước chú kỹ: Con gái thứ mấy, đã lấy chồng thì ghi tên họ chồng, năm sinh, con ông bà nào, quê quán, đậu đạt, chức tước? Sinh con mấy trai mấy gái, tên gì? (Con gái có cước chú còn con trai không cần vì có mục riêng từng người thuộc đời sau).
  • Những gương sáng, những tính cách, hành trạng đặc biệt, hoặc những công đức đối với làng xã, họ hàng, xóm giềng...
Ngoài những mục ghi trên, gia phả nhiều họ còn lưu lại nhiều sự tích đặc biệt của các vị tiên tổ, những đôi câu đối, những áng văn hay, những bài thuốc gia truyền...đó là những tài sản quý giá mà chúng ta để thất truyền, chưa biết khai thác.
Những nội dung ghi trên chỉ có tính chất gợi ý với các bậc huynh trưởng các họ, đang chăm lo công việc phổ biến và tục biên gia phả dành cho con cháu đời sau. Còn phần trên gia phả hoàn chỉnh hay sơ sài, các cụ còn giành lại cho ta được bao nhiêu biết bấy nhiêu, ai dám sáng tác thêm? Tuy nhiên, nếu tìm được quốc sử, hoặc trong gia phả, thần phả khác những tư liệu liên quan thì có thể cước chú kỹ, giúp đời sau thêm sáng tỏ.

Tếp theo>>>>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét